ܓܨܓTuổi Trẻ An Lão Bình Định (TTALBĐOL1) Tham gia nhóm FB Mem thoát

You are not connected. Please login or register

Săn cá “vua” ở đại ngàn

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Khách vi

Anonymous
Khách viếng thăm

[justify]Người dân Bình Định, nhất là dân huyện miền núi An Lão thường hay gọi cá niên là “cá vua” hay cá “đại gia”. Loại cá chẳng mấy to lớn này vậy mà luôn có mức giá cao ngất trời, đôi khi lại là hàng hiếm khi Tết đến, xuân về. Với sự độc đáo của mình, loài cá tao nhã, phóng khoáng này đã và đang là đặc sản của miền đất võ Bình Định …
“Cá vua” trên vùng đại ngàn
Ở Bình Định, khi nói đến tham quan, dã ngoại, rất hiếm ai đặt chân đến thăm những con suối lớn ở huyện miền núi An Lão xa xôi nằm ở phía bắc tỉnh. Nơi đây phong cảnh những con suối chẳng những đẹp mà nó còn thú vị hơn bởi nó mang đậm nét hoang dã của chốn núi rừng kì vĩ. Tinh mắt quan sát thì sẽ phát hiện đâu đó một vài chú sóc, chú chồn lấp ló trong bụi cây, hay ngoảnh lại nhìn quanh dọc hai bên bờ suối vẫn còn in rãi rác những dấu chân của nhiều con thú lớn. Thế nhưng ngoài những vẻ đẹp hoang sơ được thiên nhiên ban tặng ấy, những con suối ở núi rừng An Lão còn rất dũng mãnh, kiêu hùng với những con thác gập ghềnh, uốn lượn tung mình với bọt nước trắng xóa dù ở từ xa chưa nhìn thấy nhưng đã nghe vọng lại âm vang thác đổ ầm ầm và cũng chính nơi rộn ràng này lại là nơi sinh sống, vẫy vùng của loài cá niên, loài “cá vua” hay cá “đại gia” tao nhã, phóng khoáng.

Săn cá “vua” ở đại ngàn 11_77
Cá “vua” ở An Lão

Người dân bản địa cho biết loài cá niên này chỉ quen sống ở những vùng sông suối miền núi, nơi có lắm thác nhiều ghềnh. Cá niên chỉ to hơn hai ngón tay một chút nhưng rất khỏe, mình trắng đẹp, suốt ngày nó cứ lao vun vút lội ngược dòng sông như muốn thử sức cùng tốc độ với dòng chảy. Ở những khúc sông hay con suối nào có nhiều thác thì nơi ấy cá niên sinh sống càng nhiều. Cuộc sống hàng ngày của cá niên dũng mãnh như thế nhưng cũng không kém phần thanh tao : Nó chỉ vẫy vùng nơi dòng nước chảy tinh khiết, trong veo và những thảm rêu đá dưới chân thác hay những con hà bám trên đá lại là nguồn thức ăn chủ yếu của nó. Theo ông Ba Định - người dân An Lão cho biết thì cá niên ở các vùng suối của huyện miền núi An Lão hơi giống cá trắm cỏ hay cá diếc nhưng thân ngắn và mỏng hơn, có vảy vàng óng ánh, là đặc sản của vùng cao Bình Định. Cá niên thông thường chỉ lớn bằng hai ngón tay, thi thỏang mới có con cỡ 3 – 4 ngón tay. Càng đi xa theo các dòng suối thì càng có khả năng bắt được cá niên to hơn. Với dân “nghiện” cá niên An Lão như anh Năm Quốc này, anh chẳng bao giờ quên được có bận anh đi bắt cá niên ở tận thượng nguồn sông Kôn thuộc xã vùng cao An Tòan , tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, nơi chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số Bana sinh sống, anh đã bắt được một con “cá vua” lớn bằng bảy ngón tay chụm lại.
Cũng bởi được xem là “cá vua”, cá “đại gia” nên ngày trước người dân vùng An Lão thường hay mua cá niên về để cúng tất niên, hay cúng giỗ cuối năm, hoặc mừng năm mới. Cá mắc, lại hiếm cho nên rất nhiều người giành mua cho bằng được dăm con cá niên để ăn lấy hên trong dịp đầu năm mới. Lúc trước, người đi bắt cá niên thường đi rất gần, cứ sáng sớm đi thì trưa lại về, cũng có thể tối đi thì khuya hay gà gáy lại về. Ấy cũng bởi do cá “đại gia” rất nhanh hư. Để bảo quản được cá, cánh thợ săn phải nướng hoặc ướp muối cá mang về. Về tới nhà thì niên nhà ta lại bay hết mùi vị đặc trưng. Mấy năm trở lại đây, vùng đánh bắt cá “đại gia” được mở rộng địa bàn hơn nhờ có đá lạnh để ướp. Nhưng oái oăm thay, lượng cá niên mỗi lúc một ít dần. Để kiếm được nhiều cá, cánh thợ săn phải lặn lội đi cả chục cây số, có hôm chuyến săn kéo dài tận hai ngày mới về.
Đánh bắt kì lạ
Việc bắt cá niên cũng rất đơn giản và có thể “ních” ngay tại chỗ luôn cũng được. Chỉ cần một vài người lội xuống suối vùng vẫy, hò hét dồn đuổi lũ cá niên vào lưới, bắt được những gã cá xấu số nào thì ném lên bờ. Những người trên bờ có trách nhiệm tìm củi để nhóm lửa, gom cá lại và dùng những que nan đã được chuẩn bị sẵn (thường là những nhánh cây nhỏ nhặt dọc đường), một đầu xiên qua miệng cá tới khoảng giữa thân mình, còn đầu kia dùng cầm nướng sơ xung quanh cá, tuy trái ngược hòan tòan với phương pháp ướp lạnh nhưng việc dùng lửa nướng cá này có tác dụng là giữ được trong thời gian lâu mà không mất đi mùi vị của cá niên. Không cần qua khâu chế biến nào khác, chỉ cần đem cá nướng một loáng khi bốc mùi thơm lừng thế là xong và “nhập tiệc” được rồi. Cánh đánh bắt cá “đại gia” này của người đồng bào H’rê và Bana ở miệt rừng An Lão đã thực sự thu hút sự tò mò trong tôi. Thế là một bận về núi rừng, tôi đã nhập cuộc một chuyến đi săn “cá vua” cùng với những người bạn người Kinh ở đây. Khác với sự giản đơn của người đồng bào, người Kinh lại săn cá “đại gia” cầu kì hơn với rất nhiều cách, nhưng cách phổ biến nhất là sử dụng gương lặn và súng nọc ra sông bắt cá.

Săn cá “vua” ở đại ngàn 11_78

Cá niên nướng

Gương lặn được trang bị trong chuyến đi săn y hệt như gương lặn của các cánh thợ lặn chuyên nghiệp. Còn súng nọc là một loại súng tự chế do người Kinh nghĩ ra. Đó là một khúc cây khá cứng, được gọt đẽo thật nhẵn trơn theo hình dạng na ná một khẩu súng thật, dài cỡ một cánh tay. Trước nòng súng, người ta thường gắn một ống kim loại để định vị hướng đi của cần súng. Ống kim loại được chọn thường là van hơi xe đạp. Cần súng nọc là một dây thép thẳng, cứng , có bề ngang khỏang nửa ngón tay và chiều dài gấp rưỡi thân súng. Và đầu trước của dây thép được mài thật nhọn để khi bắn ra thì đầu nhọn này có thể đâm xuyên qua thân “cá vua” được dễ dàng hơn. Ngoài việc bắt “cá vua” bằng súng nọc thì người dân An Lão còn dùng cách câu và đánh lưới. Hai cách bắt này cũng khá đặc biệt. Cá niên thường hay xuất hiện ở các vùng sông suối nước chảy xiết vào mùa hè, cho nên việc câu cá là vô cùng khó. Người câu cá phải đứng giữa dòng nước chảy rồi cầm cần câu kéo tới kéo lui liên tù tì theo dòng nước mới mong “thó” được vài chú cá. Con to nhất câu được thường chỉ một ngón tay thôi. Mồi câu cá niên cũng rất đặc biệt, đó là những con bọ đá hay bọ nhảy, hai lòai giáp giáp chuyên sống dưới nước. Bọ nhảy có hình dạng gần giống những con tép con nhưng mình ngắn hơn và thân thẳng chứ không cong lại như tép. Chúng thường sống trong những mớ rác, lá cây trôi nổi trên sông. Thế nhưng, loại mồi cá niên “khoái khẩu” nhất lại là bọ đá. Loại này có hình dạng như con rệp, thường sống dưới các hòn đá dưới sông nhưng là những hòn đá nằm ở chỗ nước đứng (không chảy) kề dòng nước chảy chứ không phải là nước tù đọng. Anh Bảy Hùng - một thợ câu “cá vua” có tiếng của miệt rừng An Lão “bật mí” : “Thời gian đi câu tốt nhất là vào lúc sáng sớm. Khi đi câu thì người câu phải để cần câu nhúng chìm hoàn toàn trong nước, dìm gần sát đáy sông nhưng không được để cần chạm đáy bởi cá niên là lòai cá chuyên ăn ở đáy sông và rất nhát. Cá niên chỉ thích ăn mồi động nên người đi câu phải sử dụng cả hai cánh tay. Một tay thì giữ cần câu, một tay thì dìm cần xuống nước và cứ đưa cần tới lui liên tục, làm cho con mồi như còn sống, đang chuyển động”. Chính vì thế, để câu được cá thì cần câu phải được làm bằng cây tre đặc để dễ dìm trong nước. Cần câu cá niên phải thật dẻo để khi cá cắn câu, hàm cá niên rất mỏng và dễ rách nên người câu phải kéo cần từ từ để cá không bị rớt xuống nước lại. Lưỡi câu và sợi cước cũng phải thật nhỏ để cá không phát hiện.
Lưới đánh cá niên là loại lưới tự chế tạo. Lỗ lưới nhỏ cỡ ngón tay út mà thôi. Mật độ các hạt chì để làm chìm lưới được bố trí rất dày để có thể giữ được lưới chìm sát đáy sông và đứng yên. Đấy cũng bởi vì nơi giăng lưới là vùng nước chảy xiết, do đó lưới rất dễ bị cuốn trôi đi. Lưới phải kiểm tra thường xuyên, không được để rách vì chỉ cần có một lỗ rách ở dưới đáy thì y rằng cá thoát ra chẳng còn một mống. Chính vì vậy, lưới đánh bắt cá niên thường dài từ 13 – 14 sải tay và phải “gánh” theo từ 6 – 8 kg chì và khoảng cách mỗi hạt chì là một phân. Khi dùng lưới đánh cá niên thì đi ban đêm và dùng đèn pin hoặc đèn măng song để soi đường. Vì có hiệu quả cao, trung bình mỗi đêm hai người đi kéo lưới có thể thu được 2 – 3 kg cá nên bây giờ cách bắt này được sử dụng chủ yếu.
Sau khi chuẩn bị súng nọc và gương lặn đầy đủ, chúng tôi quyết định lên đường săn “cá vua”. “Ngư trường” chúng tôi chọn là một đoạn sông nước chảy khá xiết thuộc vùng kinh tế mới ở xã An Tân huyện miền núi An Lão. Phía bên kia sông là dãy núi Hóc Đèn của xã vùng sâu An Hưng, nơi ngụ cư chủ yếu của đồng bào H’rê. Miệt mài dưới sông An Lão từ sáng đến trưa, chúng tôi kiếm được gần một kg “chiến lợi phẩm”, cá cỡ hơn một ngón đến hai ngón tay. Chúng tôi đốt củi trên một phiến đá ở mép sông và “thịt” cá “đại gia” ngay tại chỗ. Mỡ cá cứ chảy ròng ròng, bốc hơi thơm lựng cả một khúc sông. Hương vị cá thơm ngon đậm đà, thoang thỏang đâu đây trong gió mùi thảo mộc thật khó tả. Anh Năm Quốc - một “sát thủ” cá niên cho biết : “Mấy năm trước, tới mùa cá niên, tui cứ mang bốn tấm lưới đi giăng lưới dọc các sông suối trên vùng An Lão này, đi từ xế chiều hôm trước đến sáng sớm hôm sau về, thu được khoảng 4 kg cá. Nhưng năm nay cá ít chỉ bắt chừng 2 – 3 kg thôi. Có hôm chỉ kéo lưới được nửa kg cá, có hôm không có cá, về tay không là chuyện bình thường”. Bây giờ ở An Lão, những người chuyên làm nghề bắt cá “đại gia” còn rất ít, chỉ còn lại những thợ nghiệp dư săn cá mang tính văn nghệ mà thôi. Tuy nhiên, nghề đánh bắt cá niên vẫn hấp dẫn vì nó là loại cá “đại gia” và giá “trên trời” của nó rất cao so với mức thu nhập hạn chế của người dân miền núi. Tết năm nay, giá cá lên đến 250.000 đồng/kg, cá hiếm nên anh Năm Quốc này trong vòng một tháng săn cá, cầm chắc trong tay hơn 5 triệu đồng.
Chế biến cá “đại gia”
Người dân An Lão rất hiếu khách. Những ai có nhã hứng thăm những con suối ở An Lão, trú ngụ tại nhà dân nơi đây, trong bữa cơm chủ nhà dọn lên có món cá dân dã mà trong miệng cá lại ngậm que nan thì đích thị khách đã được họ đãi món cá niên đặc sản. Vì là khách nên được ưu tiên dành hẳn phần ruột cá niên, đây là bộ phận quí nhất mà kẻ sành ăn nào cũng ưa thích. Tuy nhiên, nếu chưa từng ăn qua cá niên một lần thì cũng đừng có mừng vội vì nó rất đắng, ai ăn lần đầu cũng vội nhả ra ngay. Nhưng nếu ăn vài lần thì đảm bảo sẽ thèm “chảy nước miếng” khi nghe mùi cá nướng bốc lên. Bà chủ quán đặc sản Tuấn Minh ở xã An Hòa - huyện An Lão “bật mí” thêm : “Cá niên phải được nướng bằng than củi. Do có mùi vị độc đáo nên cá niên nướng không cần ướp gia vị thì mới ngon. Thịt cá đã thơm ngon nhưng ruột cá lại đặc biệt hơn, vừa đắng, vừa nhân nhẩn, dai dai nhưng ăn rồi đâm nghiện. Ngoài nướng là ngon nhất, cá niên còn được làm gỏi. Cá sống được vệ sinh sạch sẽ, xắt lát, vắt chanh, gia vị, mắm muối rồi trộn lẫn với lá dớn non (loại cây mọc ven sông, đặc trưng của An Lão), đọt non của cây lộc vừng, thêm chút ớt xanh. Món gỏi cá niên càng hấp dẫn hơn khi có vị chát của lộc vừng, vị nhớt của lá dớn cùng với mùi thơm đặc trưng riêng của cá niên. Đặc biệt, mật cá niên còn có tác dụng khá hữu hiệu trong việc chăn gối …”.

Hải Âu ( AmThuc.net.vn)[justify

Share this post on: reddit

No Comment.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

© 2010-2018.An lão-Bình định.thiết kế & sáng lập: tpngaydo2008
thành viên tiên phong: tpngaydo2008,Crymeme,Redmaster,tuquynh,phong-tuti...

Sông An lão ngàn năm vẫn trải - tình yêu này dzữ mãi không thôi
Skin được Convent về PunBB bởi Chupy