ܓܨܓTuổi Trẻ An Lão Bình Định (TTALBĐOL1) Tham gia nhóm FB Mem thoát

You are not connected. Please login or register

Xoay Quanh VĐ " Phỏng Vấn"

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

saobang239

saobang239
Mem Tích Cực
Mem Tích Cực

Việc tham dự phỏng vấn tuyển dụng làm bạn âu lo đến toát cả mồ hôi? Đừng ngại ngùng khi thú nhận điều này vì thật ra đó là tâm lý chung của đa số ứng viên. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là cho đến nay chưa có ứng viên nào “gục ngã” vì quá hồi hộp trong lúc phỏng vấn! Vì thế, bạn hãy bình tĩnh và tham khảo một số bí quyết sau để tự trấn tĩnh trước và trong buổi phỏng vấn.

Trước tiên, bạn cần chuẩn bị thật chu đáo cho buổi phỏng vấn. Chuẩn bị kỹ sẽ giúp bạn thêm tự tin và bớt lo âu. Theo các chuyên gia, bạn nên dành ít nhất 3 giờ để chuẩn bị cho mỗi cuộc phỏng vấn. Việc đầu tiên bạn cần làm là suy nghĩ cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất và tập trình bày rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp:

Xoay Quanh VĐ " Phỏng Vấn" CAU20HOI20PV20XUONG

1. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?
Đây thật sự là cơ hội để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng (NTD). Bạn cần trình bày ngắn gọn và cô đọng về điểm mạnh, năng lực của bạn và những gì bạn có thể đóng góp cho công ty. Tuy nhiên, bạn không nên trả lời câu hỏi này một cách chung chung, chẳng hạn: “Tôi làm việc rất chăm chỉ và nhiệt tình.” Hãy tạo sự khác biệt cho bản thân bằng cách giới thiệu những phẩm chất chỉ bạn mới có và bắt đầu câu trả lời với “Tôi chính là người phù hợp nhất cho vị trí này vì ….”

2. Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?Đây là một trong những câu hỏi mà NTD hay dùng để kiểm tra xem bạn có chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn hay chưa. Bạn đừng bao giờ dự một buổi phỏng vấn mà không biết tí gì về công ty, đường hướng phát triển và hoạt động kinh doanh của nó nhé! Nếu bạn đã tìm hiểu, nghiên cứu về công ty, câu hỏi này sẽ cho bạn cơ hội để thể hiện tinh thần chủ động cũng như chứng tỏ kinh nghiệm và năng lực của bạn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty.

3. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Hãy thành thật khi đề cập đến điểm yếu của bạn, nhưng đừng quên chứng tỏ bạn có thể biến nó thành điểm mạnh. Ví dụ: nếu trước đây bạn từng làm việc với hiệu quả chưa cao thì hãy trình bày những việc bạn đã làm để cải thiện điều này. NTD sẽ nhận ra bạn là người dám thừa nhận những điểm yếu của mình và luôn tìm cách để hoàn thiện bản thân.

4. Tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ?
Ngay cả khi bạn rời bỏ công việc cũ với tâm trạng không vui, bạn cũng không nên trả lời câu hỏi này với thái độ tiêu cực. Hãy khéo léo né tránh đề cập đến những điều bạn không hài lòng về công việc cũ. Còn nếu bạn thật sự muốn đề cập, hãy cố gắng trình bày chúng cùng với một số điểm tích cực để cân bằng. Việc than phiền không dứt về công ty cũ sẽ khiến NTD không đánh giá cao thái độ làm việc của bạn.

5. Hãy mô tả một tình huống khó khăn bạn từng gặp phải và cách bạn đã xử trí
Đôi lúc, bạn sẽ không biết trả lời câu hỏi này như thế nào, đặc biệt là khi bạn mới ra trường và chưa có kinh nghiệm. Khi hỏi câu này, NTD muốn biết bạn có khả năng tư duy để tìm ra giải pháp cho tất cả vấn đề bạn gặp phải hay không. Ngay cả khi vấn đề của bạn là không có đủ thời gian để học tập, nghiên cứu, bạn cũng cần cho NTD thấy cách bạn đã điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong lịch làm việc của mình để giải quyết nó. Việc này chứng tỏ bạn là người có tinh thần trách nhiệm và có thể tự mình tìm ra giải pháp cho vấn đề gặp phải.

6. Bạn tự hào nhất về thành tích nào của mình?
Khi trả lời câu hỏi này, bạn nên chọn một thành tích liên quan đến nghề nghiệp và phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển để giới thiệu. Hãy ngẫm nghĩ về những phẩm chất công ty đang tìm kiếm ở ứng viên và tìm ra một ví dụ phù hợp nhất để chứng tỏ bạn chính là người công ty đang cần.

7. Bạn đề nghị mức lương ra sao?
Đây là một trong những câu hỏi khó nhất, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc đầu tiên cần làm trước khi dự phỏng vấn là nghiên cứu mức lương phổ biến trong ngành nghề của bạn để ước lượng con số mình nên đề nghị. Hãy trình bày rõ ràng với NTD rằng bạn sẽ chỉ bàn thảo chi tiết về lương bổng khi đã nhận được lời đề nghị tuyển dụng. Nếu NTD thúc ép bạn đưa ra một câu trả lời cụ thể, bạn hãy đưa ra một mức lương kiểu “khoảng” hơn là một con số chính xác.

8. Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn
Khi hỏi câu này, NTD không hề muốn nghe bạn kể “tràng giang đại hải” về quê hương của bạn hay những việc bạn đã làm vào cuối tuần. Vì thế, bạn hãy mô tả ngắn gọn về bản thân, kinh nghiệm làm việc và mục tiêu nghề nghiệp của bạn rồi kết thúc bằng việc khẳng định sự khát khao được làm việc cho công ty. Nếu bạn đã chuẩn bị kỹ câu trả lời thì câu hỏi này chính là cơ hội tốt để bạn nhấn mạnh thêm năng lực của mình.

Kế tiếp, bạn nên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi về công ty và công việc của bạn. Việc này sẽ tạo ấn tượng tốt cho NTD vì họ nghĩ bạn thật sự quan tâm đến vị trí này.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, nếu bạn không biết rõ đường đi đến địa điểm phỏng vấn thì trước khi gặp NTD vài ngày, bạn nên đi trước để dò đường. Việc này còn giúp bạn ước lượng được khoảng thời gian cần thiết để đến địa điểm phỏng vấn đúng giờ.

(Theo careerbuilder.com)



Được sửa bởi saobang239 ngày 21/7/2010, 11:53; sửa lần 1.

Share this post on: reddit

Có ít nhất 4 trong số 10 câu hỏi sau luôn được hỏi trong buổi phỏng vấn. Bạn có thể quá quen thuộc với chúng, nhưng hãy cẩn thận! Nếu không có cách trả lời phù hợp, bạn vẫn có thể bị loại ngay từ vòng đầu!
Xoay Quanh VĐ " Phỏng Vấn" 10CAUHOI

Câu hỏi 1: Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn Có đến 98% các cuộc phỏng vấn tuyển dụng bắt đầu bằng câu hỏi này. Đừng bao giờ kể “tràng giang đại hải” về tiểu sử bản thân ở đây! Cái NTD muốn nghe chỉ là một đoạn mô tả ngắn gọn chừng 2-3 phút về bạn và “vốn” bạn đã chuẩn bị để có thể ứng tuyển vào vị trí này (bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, thành tích đã đạt được…). Hãy chuẩn bị một vài điểm nhấn để quảng bá bản thân, nhưng phải phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển để tránh gây phản tác dụng. Chẳng hạn, bạn không nên “khoe”: “Tôi vừa hoàn thành một khóa học thiết kế đồ họa với kết quả xuất sắc” khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh hóa chất!

Câu hỏi 2: Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi? Khi hỏi câu này, NTD muốn kiểm tra xem bạn đã nghiên cứu, tìm hiểu về công ty trước khi đến dự phỏng vấn hay chưa. Đương nhiên là bạn cần nói tốt về công ty, nhưng đừng ca ngợi một cách sáo rỗng hay chỉ nói suông. Chẳng hạn, nếu bạn nêu lý do: “Tôi thích được làm việc trong những doanh nghiệp biết trân trọng người lao động như ở đây” thì nên giải thích thêm bạn dựa vào những thông tin, số liệu nào để đúc kết được điều này.

Câu hỏi 3: Bạn nghĩ lý do gì khiến chúng tôi nên tuyển dụng bạn? Đây lại là một cơ hội tốt để bạn quảng bá cho bản thân. Hãy chuẩn bị 3 điểm mạnh để “PR” cho mình. Tuy nhiên, chúng phải cụ thể và phù hợp với vị trí bạn nộp hồ sơ vì NTD luôn muốn tuyển “đúng người” cho “đúng việc”. Chẳng hạn, nếu ứng tuyển vào vị trí giám sát bán hàng, bạn có thể trình bày như sau: “Với 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng và đã giúp công ty cũ tăng doanh thu 20%, tôi tự tin mình sẽ đóng góp được nhiều nếu trở thành nhân viên công ty”.

Câu hỏi 4: Tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ?
Đây là một câu hỏi “nhạy cảm”. Phần đông tài liệu tư vấn nghề nghiệp khuyên bạn tuyệt đối không đề cập đến những điểm tiêu cực trong công việc cũ vì sẽ làm bạn “mất điểm” trong mắt NTD. Thật ra, điều này còn tùy thuộc vào NTD. Chị X, Phụ trách nhân sự ở Văn Phòng Điều Hành Công Trình tại TP. HCM của công ty Bouygues Batiment International (Pháp), đã từng đánh giá rất cao một ứng viên khi cô trả lời như sau: “Em không muốn làm việc trong một công ty mà quyền hành tập trung vào tay một Trưởng phòng (người Việt Nam). Với em, môi trường làm việc như vậy là không lành mạnh. Em cần một môi trường tốt hơn để phát triển sự nghiệp”. Theo chị X, ứng viên này là người thẳng thắn, có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Vì thế, cách tốt nhất là bạn đề cập một vài điểm tiêu cực (nếu có) ở công việc cũ nhưng đừng quên nhấn mạnh khía cạnh tích cực của lý do bạn ra đi như “Muốn thử sức ở một môi trường mới”.

Câu hỏi 5: Đâu là điểm yếu của bạn?Cách hay nhất để trả lời câu hỏi này là thành thật thừa nhận điểm yếu của bạn, nhưng đồng thời phải chỉ ra được cách thức bạn đã khắc phục nó. Chẳng hạn nếu bạn từng yếu trong việc lập kế hoạch và quản lý thời gian thì hãy chỉ ra cách mà bạn đã khắc phục như lên lịch làm việc chi tiết vào đầu ngày rồi xếp mức ưu tiên cho từng công việc. Như vậy, NTD sẽ đánh giá bạn là người luôn quyết tâm cải thiện năng lực bản thân.

Câu hỏi 6: Khả năng làm việc nhóm của bạn có tốt không? Gần như tất cả mọi người đều trả lời “Tốt” hoặc “Khá tốt” đối với câu hỏi này. Tuy nhiên, chỉ trả lời như thế thôi thì chưa đủ để thuyết phục NTD. Bạn nên nói thêm về lợi ích của làm việc tập thể so với làm việc cá nhân và những yếu tố giúp bạn làm việc nhóm tốt. Đồng thời, bạn cần cho ví dụ về một dự án bạn đã tham gia thực hiện. Chẳng hạn: “Tháng 2 năm rồi, tôi nhận trách nhiệm quản lý dự án sản xuất phần mềm cho một bệnh viện. Do nhóm của tôi có một số người mới nên lúc đầu sự phối hợp giữa các thành viên chưa tốt. Sau đó, tôi cải tiến lại quy trình làm việc, đồng thời gia tăng việc đào tạo cho các thành viên mới. Nhờ vậy, mọi chuyện dần cải thiện. Cuối cùng, phần mềm đó được khách hàng nghiệm thu, đánh giá cao và đưa vào sử dụng ngay.”

Câu hỏi 7: Bạn đã bao giờ có mâu thuẫn với đồng nghiệp chưa? Bạn giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?Lưu ý đối với câu hỏi này, nếu bạn trả lời: “Tôi chưa bao giờ có mâu thuẫn với đồng nghiệp”, NTD sẽ nghi ngờ và tiếp tục “tra hỏi” cho đến khi tìm ra sự thật. Cách tốt nhất là bạn nên “nói giảm, nói tránh” một chút, đồng thời chỉ ra cách giải quyết của bạn, chẳng hạn: “Không đến mức gọi là mâu thuẫn. Tôi chỉ có một vài lần bất đồng ý kiến với đồng nghiệp. Khi chuyện xảy ra, tôi đề nghị được gặp trực tiếp họ và dành thời gian để lắng nghe quan điểm của họ. Sau đó, chúng tôi thảo luận cho đến khi tìm ra một giải pháp khả dĩ nhất cho đôi bên.”

Câu hỏi 8: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong vòng 5 năm tới là gì? Nếu bạn đã lập kế hoạch nghề nghiệp thì bây giờ chỉ việc sử dụng những thông tin trong đó để giới thiệu với NTD. Ví dụ: “Trong vòng 5 năm tới, tôi muốn trở thành trưởng phòng phân tích tài chính của một doanh nghiệp lớn. Chính vì thế, hiện nay tôi đang theo học một khóa Chartered Financial Analyst (CFA) ở Trung tâm FTMS.”

Câu hỏi 9: Bạn đề nghị mức lương ra sao?
Đây là câu hỏi khó nhất trong tất cả các câu hỏi, đặc biệt với những người ít kinh nghiệm. Để trả lời tốt câu hỏi này, trước khi đi phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu mức lương phổ biến trên thị trường đối với vị trí bạn ứng tuyển. Sau đó kết hợp với mức lương bạn mong muốn và mức lương gần đây nhất của bạn để có thể đưa ra câu trả lời thích hợp nhất. Tốt nhất là bạn nên đề nghị mức lương kiểu "khoảng" hơn là một con số chính xác.

Câu hỏi 10: Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?

Hãy tận dụng cơ hội này để thể hiện sự nhiệt thành của mình với công việc! Hãy hỏi NTD ít nhất một câu, có thể là về chế độ phúc lợi, điều kiện và thời gian làm việc …; chẳng hạn: “Tôi có phải làm việc vào ngày thứ bảy không?”. Không nên nói “Không, anh/chị đã trả lời tất cả các câu hỏi của tôi rồi.” hoặc “Không, tôi không có câu hỏi nào cả.”

Trả lời phỏng vấn tuyển dụng vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Vì là nghệ thuật nên bạn cần nghiên cứu mới biết cách trả lời. Tuy nhiên, do cũng là nghệ thuật nên bạn phải linh hoạt, khéo léo thì mới trả lời phỏng vấn tuyển dụng thật sự tốt được. Vì thế, bạn đừng bao giờ học thuộc lòng những ví dụ trên đây rồi “trả bài” cho NTD! Chúng chỉ đóng vai trò định hướng, gợi cảm hứng cho bạn sáng tạo và tìm ra những cách trả lời phù hợp nhất với bản thân. Chúc bạn may mắn khi tìm việc nói chung và dự phỏng vấn tuyển dụng nói riêng!

Thông thường, trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng (NTD) giữ vai trò như một “tiền đạo” trong môn bóng đá: đặt câu hỏi phỏng vấn, nghe ứng viên trả lời rồi lại hỏi tiếp. Vậy bạn đã bao giờ nghĩ đến việc chủ động “tấn công” NTD chưa? Việc này không dễ, nhưng nếu thực hiện thành công thì cơ hội bạn được NTD chọn sẽ rất lớn. Đó là điều tôi chiêm nghiệm được sau khi giành “thắng lợi cuối cùng” trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng và sau đó đã có được công việc mà mình rất yêu thích.

Trước đây, khi đi phỏng vấn, tôi thường trả lời NTD theo kiểu “nhát một”, tức là NTD hỏi gì thì tôi trả lời nấy. Ngay cả khi NTD hỏi những câu mà tôi chưa hiểu lắm, tôi cũng không dám hỏi lại. Đặc biệt, tôi rất ngại khi NTD hỏi câu: “Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?” vì tôi thật sự không biết hỏi họ điều gì.
Xoay Quanh VĐ " Phỏng Vấn" PHONGVANNTD
Thất bại là mẹ thành công …
Chính do sự trả lời thiếu tự tin và kém sáng tạo của mình, tôi đã không lọt vào mắt xanh của khá nhiều NTD. Qua cách NTD nhìn tôi trong buổi phỏng vấn, tôi hiểu rằng họ không xem tôi là một ứng viên năng nổ, độc lập và có óc sáng tạo. Vì vậy, tôi đã tìm đến một người bạn làm trong ngành tuyển dụng để được tư vấn. Bạn tôi cho biết NTD không đánh giá cao những ứng viên quá rụt rè, thụ động. Do đó, tôi cần cố gắng giành thế chủ động trong buổi phóng vấn. Muốn làm được như vậy, tôi phải chuẩn bị thật chu đáo trước khi đi phỏng vấn.

Nghe lời khuyên của bạn, tôi về xem kỹ lại hồ sơ của mình để xác định những điểm mà NTD có thể “xoáy” vào. Đó là mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm, điểm mạnh, điểm yếu của tôi … Tôi chuẩn bị ví dụ thật cụ thể để minh họa và tập trình bày để đảm bảo sự đồng nhất giữa thông tin trả lời phỏng vấn và thông tin nêu trong hồ sơ. Tôi còn tìm hiểu thông tin về ngành nghề kinh doanh, công nghệ, sản phẩm của công ty vì những thông tin này là “vũ khí” tối quan trọng để “tấn công” NTD.

Giành thế chủ động để tấn công
Bạn biết không, NTD chưa hẳn sẽ đánh giá cao những ứng viên vừa nghe dứt câu hỏi đã trả lời ngay mà không cần suy nghĩ. Chính sự từ tốn và tự tin mới thể hiện sự chín chắn, trưởng thành của ứng viên. NTD cũng không thiện cảm với những ứng viên thích “nổ”, nói liên tu bất tận về thành tích của mình mà không cần biết người đối thoại có còn quan tâm lắng nghe hay không.

Chính vì vậy, khi NTD hỏi tôi bất kỳ câu hỏi nào, tôi cũng dành ít nhất 3 giây suy nghĩ trước khi trả lời. Sau khi trả lời xong, tôi chủ động đặt câu hỏi ngược lại cho NTD về vị trí ứng tuyển, kế hoạch phát triển của phòng ban, chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực …Đa phần NTD rất thích ứng viên hỏi những câu liên quan đến nội dung hai bên đang trao đổi, đặc biệt là những câu hỏi thông minh, vì điều này chứng tỏ ứng viên thật sự quan tâm đến họ. Trong một lần đi phỏng vấn ở công ty X, sau khi trình bày quan điểm của tôi về sản phẩm mới của công ty, tôi hỏi ngược lại NTD “Theo kế hoạch, công ty anh dự định sẽ tung ra bao nhiêu phần mềm mới trong năm tới? Liệu số lượng này có phù hợp với tình hình kinh tế đang suy thoái hiện nay không?” NTD rõ ràng bị bất ngờ trước câu hỏi này và tỏ vẻ thú vị lắm. Anh đã dành hơn 5 phút để nói với tôi về kế hoạch kinh doanh của công ty đối với sản phẩm này.

Tôi đương đầu với câu hỏi phỏng vấn “ngộp thở” ra sao?
Cũng trong lần phỏng vấn ở công ty X, NTD hỏi tôi: “Theo anh, làm cách nào để dùng Java Script để gửi e-mail?”. Ngay lập tức tim tôi như thắt lại vì tôi biết rằng điều đó không thể thực hiện được. Tôi ngờ rằng NTD đang có ý “gài” mình đây. Tôi liền hỏi ngược lại ông một số câu hỏi nhằm bảo đảm mình hiểu đúng ý, đồng thời để có thêm thời gian suy nghĩ cách trả lời. Sau đó, tôi trả lời: “Em chưa biết giải pháp tối ưu ra sao, nhưng theo em thì không thể làm được điều này vì…”. Tôi đưa ra một số lý do để thuyết phục NTD rằng điều đó không thể thực hiện được. Cái nhăn trên trán NTD biến mất, thay vào đó là nụ cười tươi. Tôi muốn nói rằng đôi khi NTD sẽ gài bẫy ứng viên, và nếu bạn cố gắng giải thích theo hướng câu hỏi “bẫy” đề ra thì bạn sẽ bị sập bẫy ngay. Hãy bình tĩnh suy nghĩ và trình bày theo hướng mà bạn thấy hợp lý nhất.

Cuối buổi phỏng vấn, tôi cảm ơn NTD vì đã cho tôi cơ hội được phỏng vấn ở công ty. Sau đó ít ngày, tôi còn gửi thư cảm ơn để một lần nữa bày tỏ sự cảm kích về thời gian NTD đã dành cho tôi và khẳng định tôi rất muốn có công việc này.

Hai tuần sau buổi phỏng vấn ở công ty X, tôi nhận được thư mời làm việc của công ty. Hiện nay tôi đang làm lập trình viên ở đây với mức lương khá cao.

Trong cuộc sống, những người dám làm những điều ít ai dám sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Chủ động “phỏng vấn” NTD chính là một việc như thế. Hãy chuẩn bị chu đáo và thể hiện bạn thật sự “yêu” say đắm công việc và công ty thì NTD chắc chắn sẽ đáp lại tình cảm chân thành của bạn!

Bạn muốn thể hiện ưu điểm và che giấu khuyết điểm khi đi phỏng vấn? Bạn không muốn bị “đỏ mặt tía tai” trước những câu hỏi kỳ hoặc của nhà tuyển dụng (NTD)? Bạn muốn tạo ấn tượng tốt với NTD? Bạn có hàng trăm điều muốn và không muốn khác khi đi phỏng vấn? Mời bạn tham khảo những chia sẻ của ông Nguyễn Lương Hùng (Giám đốc nhân sự - Colgate Palmolive Việt Nam) để có một buổi phỏng vấn thành công.

Xoay Quanh VĐ " Phỏng Vấn" DeduocNTDnhoden

Cách thể hiện ưu, nhược điểm

Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí kế toán công nợ, mà bạn thì không được nhanh nhẹn cho lắm. Đây rõ ràng là một nhược điểm. Tuy nhiên một kế toán thì cần phải cẩn thận, do đó bạn có thể chứng minh với NTD rằng bạn “hơi chậm nhưng mà chắc”. Như vậy, bạn đã biến nhược điểm của mình thành ưu điểm rồi đấy!

Điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị đầy đủ thông tin để trình bày khi phỏng vấn. Bạn đừng cố đoán NTD sẽ hỏi gì và chỉ chuẩn bị theo những câu hỏi đó. Bạn sẽ hụt hẫng, lúng túng và thậm chí không biết trả lời như thế nào khi không “trúng tủ”. Bạn cũng nên nhờ người thân và bạn bè chỉ rõ những ưu - nhược điểm của mình, nếu bạn nhờ được những người có kinh nghiệm thì càng hay.

Khi trình bày ưu điểm, bạn nên tập trung nói về những ưu thế nổi bật trong học tập lẫn trong hoạt động xã hội - đoàn thể và nhớ chỉ trình bày những điều có lợi đối với công việc và công ty bạn đang ứng tuyển. Hãy nhấn mạnh ưu điểm nhưng cũng đừng nói quá, vì nếu NTD hỏi sâu vào vấn đề này mà bạn không trả lời được rành mạch thì bạn sẽ bị mất điểm ngay. Bạn có thể trình bày một ưu điểm rõ ràng nào đó để nêu bật thành tích mà bạn đã đạt được. Tránh nói những câu chung chung như “Tôi luôn hết lòng tận tụy với công việc của mình, chỉ rời công ty sau khi đã giải quyết hết công việc được giao trong ngày và lên kế hoạch cho ngày hôm sau.”

Đối với nhược điểm, bạn có thể trình bày theo hướng giảm nhẹ chúng, sau đó nêu cách khắc phục và kết thúc nhận xét của bạn bằng những điểm mạnh. Ví dụ: bạn thừa nhận điểm yếu của mình là chậm tính toán, nhưng đưa ra cách khắc phục là luôn mang máy tính bên mình. Hay bạn cho rằng mình đánh máy hơi chậm nhưng chứng minh được bạn sẽ khắc phục trong thời gian ngắn nhất bằng một biện pháp cụ thể nào đó…

Đối phó với những câu hỏi khóKhi bắt đầu cuộc phỏng vấn, bạn phải tập trung quan sát, lắng nghe bằng cả hai mắt và hai tai. Phải tập trung chú ý không một giây xao lãng, nếu ban không muốn bỏ sót bất cứ một điểm quan trọng nào. Cộng thêm những gì bạn đã tìm hiểu trước về NTD, bạn có thể nắm được tổng quát các yêu cầu thực sự của NTD - sẽ là một lợi thế để bạn chiếm vị trí “thượng phong” so với các ứng viên khác.

Trên thực tế, có đến 90% ứng viên thất bại vì không xử trí được những tình huống này. Có rất nhiều hình thức phỏng vấn, trong đó phỏng vấn áp lực thường tạo nhiều khó khăn cho ứng viên. Nếu chưa biết gì về loại hình này, khi “lâm trận”, nhiều ứng viên dễ dàng thất bại và thậm chí bị “sốc” vài ngày sau đó. Bạn cần phải biết phỏng vấn áp lực là gì và cách đối phó ra sao.

Trong buổi phỏng vấn dạng này, ứng viên thường đối mặt với một ban bệ tuyển dụng và phải trả lời các câu hỏi hóc búa và khá “oái oăm” của họ. Chẳng hạn, một người trong ban có thể mở màn ”tấn công” bạn với câu hỏi: “Anh (Chị) có cái tên nghe chẳng hay chút nào, anh (chị) nghĩ sao về tên của mình?” Có thể ứng viên sẽ mất bình tĩnh ngay, bối rối, và thậm chí tức giận rồi “chết đứng” sau đó. Vậy là thất bại!

Bạn nên nhớ, để tổ chức một đợt tuyển dụng nhân sự, doanh nghiệp phải tốn khá nhiều chi phí, do đó họ sẽ không chủ ý dùng loại hình phỏng vấn này để đánh rớt ứng viên. Mục đích chính của NTD là đánh giá khả năng xoay sở và đối phó tình huống của ứng viên. Loại hình phỏng vấn này thường được áp dụng khi tuyển các vị trí quan trọng, đòi hỏi ứng viên có sự chuẩn bị thật kỹ về tâm lý và xem phỏng vấn là một cuộc chiến bằng trí óc.

Thông thường NTD sẽ đưa ra rất nhiều câu hỏi khó và những câu hỏi trực tiếp châm biếm, đả kích ứng viên… Trên nguyên tắc, những câu hỏi như vậy bắt buộc phải hợp lý, không đụng chạm tới những vấn đề nhạy cảm như tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục hay đời tư cá nhân. Tuy nhiên, không phải NTD nào cũng có thể đặt được câu hỏi đúng yêu cầu như vậy. Nếu gặp phải những tình huống đó, ứng viên có quyền không trả lời, nhưng dĩ nhiên cũng không được yên lặng. Ứng viên phải mạnh dạn chỉ ra đó là câu hỏi không phù hợp, đề nghị NTD đưa ra một câu hỏi khác hoặc một vấn đề khác.

”Gieo hạt giống” trong lòng NTD
Sau cuộc phỏng vấn, NTD thường sẽ gửi thư cảm ơn kèm theo thông báo bạn đã trúng hay không trúng tuyển. Nếu chưa đạt, cánh cửa việc làm chưa hẳn đã khép lại hoàn toàn. Bạn sẽ tận dụng cơ hội này để viết thư trả lời cảm ơn NTD. Trong thư, bạn cảm ơn NTD đã dành thời gian phỏng vấn cùng vài điều bạn rút ra được từ cuộc phỏng vấn đó. Điều bạn cần nhớ trước khi kết thúc thư cảm ơn là việc “yêu cầu” được lưu ý đến trong các kỳ tuyển dụng tương lai. Đây là một cách gây ấn tượng với NTD. Trong thực tế, rất ít ứng viên biết tận dụng cơ hội này.

Thông thường, ứng viên trúng tuyển có thể bị “rơi rụng” dần trong quá trình thử việc. NTD sẽ phải tìm người mới để lấp vào chỗ trống. Trong trường hợp này, họ sẽ lọc lại các hồ sơ cũ và những ứng viên nào tạo được ấn tượng tốt sẽ được NTD nhớ đến trước tiên. Vì vậy cơ hội việc làm sẽ lại đến với bạn một lần nữa.


Nguồn: Khoa Học Phổ Thông

saobang239

Bài gửi 7/7/2010, 15:35 by saobang239

Đây là một trong những câu được nhà tuyển dụng hỏi ứng viên nhiều nhất tại các buổi phỏng vấn. “Hãy cho tôi biết về bạn!”, câu hỏi nghe đơn giản quá, vậy bạn có nên trả lời thoải mái với nhà tuyển dụng không? Cẩn thận, đó có thể là chiếc bẫy đấy! Hãy chuẩn bị thật kỹ câu trả lời của bạn với những mẹo nhỏ sau đây:
Xoay Quanh VĐ " Phỏng Vấn" Hay20cho20toi20biet20ve20ban

Trình bày ngắn gọn và thật thu hút những kinh nghiệm làm việc có ích cho vị trí ứng tuyển. Người phỏng vấn không thích nghe kể lể dài dòng, vì thế bạn nên mô tả thật súc tích, đầy đủ những thông tin về mình.

Bạn nên trình bày kinh nghiệm làm việc theo thời gian phù hợp để người phỏng vấn có thể theo dõi dễ dàng. Thường kinh nghiệm làm việc mới nhất được trình bày trước.

Bạn không nên đề cập những thông tin riêng tư như: bạn đã kết hôn được bao lâu, bạn đang sống ở đâu… trong phần giới thiệu ngắn gọn này.

Hãy nêu bật lợi thế của bạn. Đừng ngại nói về những thành tích, kinh nghiệm, học vấn hay những phẩm chất đáng quý của bạn cần thiết cho vị trí mà bạn đang dự tuyển.

Bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng viên phù hợp và sáng giá nhất cho vị trí này. Tuy nhiên bạn đừng dùng từ ngữ “đao to búa lớn” nhé.

Ví dụ: “Tôi có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và quan hệ đối ngoại. Với kiến thức sâu rộng và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực này, tôi từng giữ những vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp trong nước và các công ty đa quốc gia. Gần đây nhất, tôi là Giám Đốc Marketing và Quan Hệ Đối Ngoại cho công ty X, phụ trách quản lý các hoạt động đối nội và đối ngoại, làm việc với trên 100 đối tác… Phòng Quan Hệ Đối Ngoại do tôi lãnh đạo gồm 6 thành viên đã phát huy hình ảnh và danh tiếng của công ty trong cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam.”

Đừng nói quá sự thật. Trung thực là nguyên tắc vàng, vì người phỏng vấn biết rõ hơn ai hết cách tìm ra sự thật mà ứng viên trình bày!

Trình bày cô đọng. Bạn chỉ nên trình bày trong vòng 1 đến 2 phút. Nhà tuyển dụng sẽ không đủ kiên nhẫn để nghe một “diễn văn” lê thê.

Đừng bao giờ nói rằng bạn chọn lựa công việc này vì “công ty có chính sách lương bổng hậu hĩnh”. Những câu như thế chỉ khiến người phỏng vấn mất cảm tình vì bạn chỉ chú trọng vào lợi ích của mình chứ không phải lợi ích của công ty.

Nhìn thẳng vào mắt của người phỏng vấn. Đừng bao giờ lẩn tránh ánh mắt của nhà tuyển dụng khi bạn trả lời câu hỏi, vì điều đó sẽ khiến cho nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang nói dối họ, hay đang giấu giếm điều gì đó.

saobang239

Bài gửi 7/7/2010, 15:44 by saobang239

Khi đi phỏng vấn, bạn cần tránh tất cả những lỗi khiến cho NTD “mất cảm tình” với bạn nhé. Sau đây là những điều khiến NTD “kỵ” nhất khi phỏng vấn ứng viên:

· “Nhắc khéo” NTD về sự quen biết với một nhân viên cấp cao trong công ty
Đây là điều mà NTD “kỵ” nhất. Một số ứng viên đã cố tình gây ấn tượng bằng cách “nhắc khéo” người phỏng vấn về mối quan hệ thân thiết của mình với một nhân vật “đinh” nào đó trong công ty, như “Anh A trưởng phòng nhân sự là anh rể của tôi” với hy vọng người phỏng vấn sẽ “nể mặt” mình. Thế nhưng, cách tiếp cận này sẽ cực kỳ gây phản cảm đối với NTD. Thói dựa dẫm vào uy tín của người khác sẽ khiến cho ứng viên đó tỏ ra kém cỏi và thiếu bản lĩnh trước mắt NTD.

Liên tục hỏi về vấn đề lương bổng
Lương bổng là vấn đề quan trọng đối với ứng viên. Tuy nhiên, nếu ứng viên quá chú tâm về lương bổng và liên tục hỏi người phỏng vấn về đề tài này, ứng viên đó đã tự kéo tay người phỏng vấn đánh điểm thấp cho mình. Thực tế vẫn có nhiều ứng viên chỉ quan tâm đến lương bổng khi phỏng vấn, họ có thể hỏi điều này rất nhiều lần đến mức NTD nghĩ rằng họ đi làm chỉ vì tiền lương, và sẵn sàng nhảy việc ngay khi một công ty khác “chào mời” một mức lương cao hơn.

· Quá “rộng rãi” trong việc ban tặng lời khen
Bạn hãy nhớ điều này, NTD rất kỵ những ứng viên quá “rộng rãi” trong việc ban tặng lời khen với họ. Nhiều ứng viên vì vô tình hay hữu ý đã đưa ra những lời nhận xét về NTD đại loại như “Áo của anh/chị đẹp ghê. Chắc là hàng hiệu và đắt lắm!” hay “Ồ, tôi rất ấn tượng với màu son môi/kẹp tóc/mắt kính… của anh/chị.” Thậm chí một giám đốc nhân sự đã ngượng “chín người” vì lời khen của một ứng viên “Ồ, trông anh thật là trẻ và đẹp trai!” Bạn hãy nhớ, NTD sẽ không đánh giá cao những ứng viên có những lời khen kiểu “lấy lòng” này đâu. Tốt nhất ứng viên đi thẳng vào đề tài phỏng vấn với NTD, đừng bao giờ đề cập đến những vấn đề “bên lề” đó.

· Phục trang không chuyên nghiệp
Một số ứng viên mặc quần jeans và áo pull đi phỏng vấn, hay tệ hơn nữa là quần jeans rách loe toe. Dĩ nhiên, ứng viên có thể ăn mặc khá thoải mái (casual) khi đi phỏng vấn ở một số ngành nghề đặc biệt (như ngành Quảng cáo). Chị Trang cho biết “Trang phục của ứng viên không cần phải cầu kỳ sặc sỡ, điều tôi mong đợi ở ứng viên chính là phục trang chuyên nghiệp, sạch sẽ và phẳng phiu. Nam giới có thể mặc quần tây và áo sơ mi. Nữ giới có thể mặc áo kiểu và váy, hoặc quần tây. Phục trang chuyên nghiệp sẽ khiến cho ứng viên tự tin trong buổi phỏng vấn, tôn vinh sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của họ.”

· Đến phỏng vấn trễ
Điều quan trọng mà mỗi ứng viên cần nhớ là đến dự phỏng vấn đúng giờ. Bạn đừng bao giờ để NTD phải đợi bạn. Đi phỏng vấn sớm trước 5-10 phút là một cách đơn giản giúp bạn không bị trễ phỏng vấn. Đi sớm một chút cũng sẽ giúp bạn không phải thở hào hển khi vào phòng phỏng vấn vì vừa thoát ra khỏi một vụ kẹt xe “kinh hoàng” ở ngoài phố. Còn nếu bạn lỡ đi phỏng vấn trễ, hãy lịch sự gọi điện ngay cho NTD và thông báo về sự trễ nãi này, thay vì để cho NTD phải chờ đợi bạn mỏi mòn.

· Không nhìn vào mắt người phỏng vấn
Nhiều NTD đồng ý rằng nếu ứng viên không nhìn vào mắt người phỏng vấn, đó là biểu hiện của sự không tự tin của ứng viên. Nếu chỉ có một người phỏng vấn bạn, hãy tự tin nhìn vào mắt người phỏng vấn này. Nếu có nhiều hơn một người phỏng vấn, bạn hãy chia sẻ ánh nhìn đều nhau cho cả nhóm phỏng vấn, đừng chỉ tập trung ánh nhìn vào người phỏng vấn chính của nhóm.

Trong mọi trường hợp, hãy tránh những biểu hiện tiêu cực sau: nhìn đâu đó lên trần nhà khi người phỏng vấn trao đổi với bạn (chắc bạn đâu muốn dò tìm chú thạch sùng nào trên đó phải không), hoặc ánh mắt không thể hiện sự nhiệt huyết, trông vô hồn xa xăm còn giọng nói thì đều đều như muốn ru ngủ NTD. Đặc biệt, dù bạn cảm thấy tự tin và hứng chí đến mức nào, bạn đừng lắc lư người quá nhiều nhé, vì bạn sẽ làm cho NTD “chóng mặt” đó.

· Ứng viên “quá xúc động”
Một số ứng viên trở nên quá xúc động khi đi phỏng vấn, họ thậm chí khóc lóc và kể lể với người phỏng vấn về những khó khăn cá nhân mà mình phải gánh vác. Có thể những ứng viên này chỉ muốn thổ lộ tâm sự của họ để vơi nhẹ những nổi khổ của mình. Tuy nhiên cách hành xử này sẽ khiến cho người phỏng vấn cảm thấy khó xử vì họ không có trách nhiệm với những khó khăn của ứng viên này.

Điều quan trọng bạn cần nhớ khi đi phỏng vấn: chứng minh được điều bạn có thể làm cho công ty, thay vì trông chờ vào sự trợ giúp của NTD.


Chị Trang chia sẻ “Kỹ năng mềm ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của nhân viên. Và trong số các kỹ năng mềm, tôi đánh giá cao nhất kỹ năng giao tiếp (communications skills) của ứng viên. Dựa vào đó tôi sẽ quyết định ứng viên có phù hợp hay không.” Vì sao kỹ năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng như vậy?

Kỹ năng giao tiếp là khả năng ứng viên thể hiện ý tưởng mạch lạc và dễ hiểu. Điều này đóng vai trò rất quan trọng vì nếu ứng viên không thể trình bày rõ ràng, dễ hiểu và trôi chảy ý tưởng của mình, làm sao họ có thể diễn tả để đồng nghiệp có thể hiểu và cùng thực hiện công việc chung?

Kỹ năng giao tiếp được đánh giá qua cách ứng viên trình bày với người phỏng vấn về quá trình làm việc và thành tích của mình. Có 2 lỗi lớn mà ứng viên thường mắc phải:

• Không nêu được bức tranh tổng thể về quá trình làm việc
Đây là lỗi rất thường gặp ở những ứng viên chỉ lo trình bày về một kinh nghiệm hay thành tích nào đó mà họ “tâm đắt” nhất, khiến cho NTD không nắm được bức tranh tổng thể về quá trình làm việc của họ. Điều này sẽ càng bất lợi nếu người phỏng vấn không đặt thêm câu hỏi nào để khơi gợi ứng viên nói rõ hơn về thành tích và kinh nghiệm của họ.

Lời khuyên dành cho bạn: hãy nêu lên bức tranh tổng thể về quá trình làm việc của bạn trước khi đi vào mô tả chi tiết từng kinh nghiệm hoặc thành tích của mình.

• Trình bày dài dòng và lan man, hoặc trình bày không đầu không đuôi
Cách trình bày dài dòng lê thê sẽ khiến cho người phỏng vấn bị “lạc lối” và không hiểu ứng viên muốn nói gì. Tệ hơn, nếu ứng viên trình bày không đầu không đuôi, đó là dấu hiệu cho thấy ứng viên không có óc tổ chức và khả năng diễn đạt, điều mà bất kỳ NTD nào cũng e dè.

Lời khuyên dành cho bạn: Hãy đi thẳng vào vấn đề chính cần trình bày, nếu không NTD sẽ không còn kiên nhẫn để ngồi nghe bạn trình bày, hoặc bạn sẽ làm cho NTD hiểu sai nội dung bạn muốn trình bày. Nếu bạn mắc tật nói “vòng vo tam quốc” này, vẫn có phương thuốc chữa trị: trước khi đi phỏng vấn, hãy viết ra các ý chính cần trình bày theo kiểu gạch đầu dòng, trước khi bạn đi sâu mô tả chi tiết cho từng mục chính.

Ngoài ra, các ứng viên sau sẽ được NTD đánh giá cao vì họ thể hiện được bản lĩnh và sự quan tâm thực sự đến vị trí tuyển dụng:

• Ứng viên tự tin, có chính kiến và lập trường vững chắc
NTD đánh giá rất thấp các ứng viên không có lập trường vững chắc, không có chính kiến và sẵn sàng bằng lòng vô điều kiện với mọi ý kiến của sếp. “Tôi thường đánh rớt các ứng viên ‘Yes-man’ này vì họ thường không có sáng kiến hay khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả,” chị Trang cho biết.

Lời khuyên cho bạn: Hãy thể hiện sự tự tin của bạn. Hãy lắng nghe NTD và không ngừng phân tích để đưa ra những nhận xét xác đáng nhất. Hãy nêu lên quan điểm của riêng bạn, quan điểm đó có thể khác với quan điểm của NTD. Bạn đừng sợ điều đó sẽ làm cho người phỏng vấn phật lòng.

• Ứng viên hiểu rõ về công ty tuyển dụng
Các ứng viên đi phỏng vấn với hành trang kiến thức về công ty tuyển dụng sẽ được NTD đánh giá cao. Hiểu biết thấu đáo về công ty tuyển dụng là biểu hiện về sự nghiêm túc của ứng viên đối với công việc, cho thấy ứng viên thực sự muốn làm việc với công ty. Hiểu biết thấu đáo về công ty cũng là tiền đề để ứng viên có thể thích nghi với môi trường mới khi được tuyển dụng.

Lời khuyên dành cho bạn: hãy truy cập trang web của công ty để tìm hiểu về lĩnh vực hoạt động của công ty, các sản phẩm và/hay dịch vụ chính của công ty trên thị trường, thị phẩn của công ty, nhà máy sản xuất (nếu có), các văn phòng chính của công ty… Bạn cũng có thể hỏi những người thân quen đang làm việc trong công ty để tìm hiểu về cơ cấu tổ chức công ty, đặc biệt là văn hóa công ty, để biết mình có phù hợp với môi trường làm việc đó hay không. Ngoài ra, các tạp chí, bản tin, hồ sơ giới thiệu về công ty (brochure) cũng là nguồn thông tin quý báu để bạn tìm hiểu về công ty mà mình mong muốn được làm việc và gắn bó lâu dài.

Bài gửi  by Sponsored content

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

© 2010-2018.An lão-Bình định.thiết kế & sáng lập: tpngaydo2008
thành viên tiên phong: tpngaydo2008,Crymeme,Redmaster,tuquynh,phong-tuti...

Sông An lão ngàn năm vẫn trải - tình yêu này dzữ mãi không thôi
Skin được Convent về PunBB bởi Chupy